Công tác Tuyển sinh

Đào tạo nghề kép: “Chìa khóa vàng” cung cấp nhân lực chất lượng cao ở Đức

Dân trí

 Đào tạo nghề kép là mô hình đào tạo nghề chủ đạo, hiệu quả và là niềm tự hào của Đức. Đó là “chìa khóa vàng” cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho quốc gia này.

Cộng hòa Liên bang Đức là quốc gia công nghiệp, nhất là công nghiệp chế tạo phát triển hàng đầu thế giới. Có được thành công đó một phần quan trọng nhờ vào nguồn nhân lực có kĩ năng cao và thái độ nghề nghiệp chuẩn mực là kết quả của hệ thống giáo dục nghề nghiệp hiện đại, chất lượng, hiệu quả.

PGS.TS Bùi Thế Dũng, chuyên gia tư vấn về Giáo dục nghề nghiệp có bài phân tích về mô hình đào tạo nghề kép của Đức cũng như những điểm mới trong Luật giáo dục nghề nghiệp 2020 của quốc gia này.

Mô hình đào tạo nghề kép của Đức

Đào tạo nghề kép (ĐTNK) là mô hình đào tạo nghề chủ đạo, hiệu quả và là niềm tự hào của Đức. Đó là “chìa khóa vàng” cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho quốc gia này.

Mô hình đào tạo nghề ban đầu phối kết hợp chính thức giữa đào tạo tại doanh nghiệp và đào tạo tại trường nghề nhằm giúp người học có được kiến thức, kỹ năng, năng lực thực hành và kinh nghiệm nghề đáp ứng yêu cầu của một nghề cụ thể. Tính kép của ĐTNK thể hiện qua các khía cạnh chính sau đây:

Về trách nhiệm pháp lý, ĐTNK đòi hỏi khuôn khổ pháp lý điều chỉnh sự tham gia của các bên liên quan như nhà nước, doanh nghiệp, tổ chức xã hội – nghề nghiệp. Hai đối tác chính của ĐTNK là doanh nghiệp và trường nghề. Doanh nghiệp cùng với trường nghề cùng chịu trách nhiệm về toàn bộ hoạt động trong quá trình đào tạo.

Về địa điểm học tập, quá trình đào tạo được thực hiện đan xen ở hai địa điểm là doanh nghiệp và trường nghề với thời gian hợp lý, trong đó thời gian học tập tại doanh nghiệp là chủ yếu.

Ở trường, học sinh học lý thuyết tại phòng học và học thực hành cơ bản tại xưởng trường. Tại doanh nghiệp, học sinh học theo công việc tại các vị trí việc làm trong dây chuyền sản xuất, kinh doanh, dịch vụ hoặc các trung tâm đào tạo chung của doanh nghiệp.

Về tài chính, khi học ở doanh nghiệp học sinh được hưởng thù lao do doanh nghiệp chi trả. Chi phí đào tạo tại doanh nghiệp do doanh nghiệp chịu và chi phí đào tạo ở trường nghề mà chủ yếu là các trường nghề công là do nhà nước đảm nhiệm.

Về giáo viên, chương trình học tổng thể được quy định thống nhất cho từng nghề. Quy chế đào tạo cho trường và quy chế đào tạo cho doanh nghiệp được ban hành riêng. Đội ngũ giáo viên ở trường có nhiệm vụ dạy về kiến thức và kỹ năng nghề cơ bản. Họ thường có trình độ đại học hoặc trên đại học.

Giáo viên ở doanh nghiệp dạy kiến thức thực tế và kỹ năng nghề chuyên sâu cũng như kinh nghiệm nghề. Họ là những người lao động giỏi, chuyên gia có kiến thức, có kỹ năng, có kinh nghiệm nghề và có kỹ năng sư phạm.

Về nội dung đào tạo, nội dung đào tạo ở doanh nghiệp và ở trường nghề gắn chặt với nhau và bổ sung cho nhau một cách logic, đồng bộ. Trong khi trọng tâm nội dung dạy học ở trường là lý thuyết chuyên môn nghề và các kỹ năng cơ bản thì nội dung đào tạo ở doanh nghiệp chủ yếu là kỹ năng chuyên môn nghề và kỹ năng sản xuất.

Về tổ chức thực hiện, chủ thể của đào tạo trong mô hình đào tạo kép là doanh nghiệp. Doanh nghiệp thực hiện các chức năng tuyển sinh, lập kế hoạch đào tạo, thực hiện đào tạo, chuẩn bị và tham gia đánh giá kết quả đào tạo. Trường nghề là đơn vị phối hợp đào tạo.

Bốn điểm mới trong Luật giáo dục nghề nghiệp 2020 của Đức

Nhằm không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp (GDNN), Đức đã nghiên cứu và cập nhật các nội dung mới trong Luật giáo dục nghề nghiệp 2020.

Trong lời đề tựa của Bộ trưởng Bộ giáo dục Liên bang Anja Karliczek cho Luật giáo dục nghề nghiệp sửa đổi 2020 có viết: “Hệ thống GDNN Đức là một câu chuyện thành công. Cơ sở cho nó là Luật GDNN. Từ 50 năm nay nó đã đóng góp chủ yếu vào thành công đó.

Luật giáo dục nghề nghiệp sửa đổi 2020 nhằm chuẩn bị GDNN cho tương lai, đảm bảo sự hấp dẫn của giáo dục nghề nghiệp, đảm bảo nhu cầu nhân lực chuyên môn, năng lực cạnh tranh và thịnh vượng của Đức”.

Luật giáo dục nghề nghiệp được ban hành lần đầu năm 1969 là văn bản pháp lý cao nhất điều chỉnh toàn diện các quan hệ đào tạo nghề trong đào tạo ban đầu, đào tạo nâng cao, đào tạo lại; quy chế đào tạo, thể chế, nghiên cứu GDNN.

Sau 36 năm, Luật GDNN được sửa đổi vào năm 2005 nhằm thích ứng với những thay đổi mới, như toàn cầu hóa nền kinh tế, đa dạng và dịch chuyển cơ cấu lao động, gia tăng đào tạo tại trường nghề.

Các sửa đổi tập trung vào mục tiêu hình thành năng lực hành nghề trong thế giới lao động luôn thay đổi thay vì chỉ truyền thụ kiến thức và kỹ năng, tính linh hoạt, liên thông và mô đun hóa trong thiết kế, thực hiện và đánh giá đào tạo.

Có 4 điểm đổi mới chủ yếu trong Luật GDNN sửa đổi 2020 gồm: Bổ sung đào tạo nghề trình độ cao vào hệ thống GDNN; Nâng cao tính linh hoạt của GDNN qua hình thức học nghề bán thời gian; Tăng cường cơ hội liên thông trong GDNN; Quy định mức thù lao tối thiểu cho người học.

GDNN và giáo dục hàn lâm cùng có giá trị như nhau. Cả hai cung cấp các khả năng phát triển tuyệt vời và bổ sung cho nhau. Việc quyết định giữa học nghề và học nghề nâng cao với học đại học không còn là câu hỏi của cái nào nhiều hơn hay ít hơn. Đây là sự lựa chọn giữa hai con đường cùng giá trị để đến với thành công trong nghề nghiệp.

Cụ thể:

Đào tạo nghề trình độ cao

Luật qui định ba bậc trình độ đào tạo nghề nâng cao là Chuyên gia nghề (geprüfter Berufsspecialist), Cử nhân chuyên nghiệp (Bachelor Professional) và Thạc sĩ chuyên nghiệp (Master Professional).

Danh hiệu Chuyên gia nghề dành cho người tốt nghiệp bậc đào tạo nâng cao 1 đã chứng tỏ chuyên sâu các kĩ năng, kiến thức và năng lực đã lĩnh hội trong chương trình đào tạo nghề thường quy và bổ sung các kĩ năng, kiến thức và năng lực mới.

Khối lượng học tập để lĩnh hội kĩ năng, kiến thức và năng lực này tối thiểu là 400 giờ.

Điều kiện cho phép dự thi bậc 1 là đã tốt nghiệp đào tạo nghề ở một nghề đào tạo chính thức.

Danh hiệu Cử nhân chuyên nghiệp dành cho người tốt nghiệp bậc đào tạo nâng cao 2 đã chứng tỏ được khả năng đảm nhiệm chức năng lãnh đạo về chuyên môn và tổ chức, tự chủ điều hành, thực hiện quá trình lãnh đạo tổ chức và huy động lãnh đạo nhân viên.

Khối lượng học tập để lĩnh hội kĩ năng, kiến thức và năng lực này tối thiểu là 1.200 giờ.

Điều kiện cho phép dự thi bậc 2 là đã tốt nghiệp đào tạo nghề ở một nghề đào tạo chính thức hoặc tốt nghiệp bậc đào tạo nâng cao 1.

Danh hiệu Thạc sĩ chuyên nghiệp dành cho người tốt nghiệp bậc đào tạo nâng cao 3, chứng tỏ đã lĩnh hội và đi sâu các kiến thức, kĩ năng, năng lực trong quá trình chuẩn bị thi bậc đào tạo nâng cao 2 và kĩ năng, kiến thức, năng lực mới cần thiết để lãnh đạo tổ chức hoặc để xử lý các nhiệm vụ và vấn đề mới, phức hợp như phát triển phương pháp sản xuất.

Khối lượng học tập để lĩnh hội kĩ năng, kiến thức và năng lực này tối thiểu là 1.600 giờ.

Điều kiện cho phép dự thi bậc 3 là đã tốt nghiệp bậc đào tạo nâng cao 2.

Các bậc đào tạo nghề nâng cao và các bậc giáo dục đại học khác kiểu nhau, nhưng luật mới quy định các bậc này là ngang giá trị như trong khung trình độ quốc gia.

Nâng cao tính linh hoạt của GDNN

Luật GDNN sửa đổi cho phép người học nghề thực hiện học tập bán thời gian trong cả khóa học hoặc trong một giai đoạn nhất định tùy theo thống nhất với doanh nghiệp đào tạo. Thời gian rút ngắn theo ngày, không vượt quá 50%.

Tăng cường cơ hội liên thông trong GDNN

Những người tốt nghiệp khóa đào tạo nghề 2 năm sẽ không phải dự thi phần 1 của kì thi tốt nghiệp khóa đào tạo nghề 3 năm.

Quy định mức thù lao tối thiểu cho người học

Người học nghề tham gia tạo giá trị cho doanh nghiệp. Vì vậy, học được công nhận và trả thù lao tối thiểu thỏa đáng trong toàn liên bang. Người học năm sau được nhận thù lao nhiều hơn năm trước.

PTS.TS Bùi Thế Dũng Đào tạo nghề kép: “Chìa khóa vàng” cung cấp nhân lực chất lượng cao ở Đức | Báo Dân trí (dantri.com.vn)

Call