(CLO) Chủ trương khuyến khích các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học tham gia giáo dục thường xuyên nên tiến tới sẽ sửa đổi, bổ sung quy định của pháp luật phù hợp.
Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc họp về việc cấp bằng tốt nghiệp trung học cơ sở cho các học viên Học viện Múa Việt Nam và giảng dạy văn hóa trung học phổ thông trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Theo đó, về đề nghị của Học viện Múa Việt Nam và phụ huynh học sinh Học viện này về việc cấp bằng tốt nghiệp Trung học cơ sở và Giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông, Phó Thủ tướng đã kết luận: Do đặc thù ngành múa và một số ngành nghệ thuật, các học viên theo học hệ trung cấp, cao đẳng được tuyển vào rất sớm (từ đầu cấp trung học cơ sở) đã hoàn thành chương trình học văn hóa theo quy định thì được cấp bằng tốt nghiệp THCS.
Các trường nghề được phép đào tạo chương trình phổ thông (ảnh nguồn internet).
Do đó, với các trường hợp học sinh đã hoàn thành chương trình đào tạo trung cấp, nếu không có nguyện vọng thi tốt nghiệp trung học phổ thông, Phó Thủ tướng đồng ý cho các trường hợp này được cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông theo quy định của Luật Giáo dục 2019.
Phó Thủ tướng cũng đã giao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội chỉ đạo thực hiện cấp bằng trung học cơ sở cho học sinh, sinh viên Học viện Múa Việt Nam đã hoàn thành chương trình học văn hóa theo quy định.
Để khắc phục bất cập là nhiều cơ sở tổ chức dạy học nhưng theo quy định của Luật Giáo dục năm 2019 không có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông, Phó Thủ tướng giao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội hướng dẫn cụ thể tạo điều kiện thuận lợi nhất cho học sinh.
Về lâu dài, để thực hiện tốt tốt các quy định của Luật Giáo dục về việc khuyến khích các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học tham gia giáo dục thường xuyên, Bộ Lao động, Thương Binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có quy định hướng dẫn để các cấp chính quyền căn cứ tình hình cụ thể trên địa bàn thực hiện giao thêm chức năng giáo dục thường xuyên hoặc thực hiện sắp xếp các cơ sở giáo dục thường xuyên hiện có nhằm phát huy tối đa điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ thầy cô giáo.
Đồng thời, nghiên cứu, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung quy định của pháp luật để các cơ sở được tổ chức dạy văn hóa chương trình văn hóa trung học phổ thông thì đều có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận.
Về việc giảng dạy văn hóa trung học phổ thông cho học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở vào học trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo kiến nghị của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Hiệp hội giáo dục nghề nghiệp và Nghề công tác xã hội Việt Nam:
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng đã yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo khẩn trương ban hành văn bản quy định việc dạy khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo đúng quy định tại khỏa 4 điều 28 Luật Giáo dục 2019, khoản 4 Điều 33 Luật Giáo dục nghề nghiệp 2014, Quyết định số 522/QĐ-TTg ngày 14/5/2018 và Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 28/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ nhằm tạo điều kiện các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học, các tổ chức khác đủ điều kiện đều có trách nhiệm tham gia thúc đẩy giáo dục thường xuyên theo đúng quy định của pháp luật.
Đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã và đang tổ chức giảng dạy chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông thì được tiếp tục thực hiện.
Trinh Phúc
(Tạo điều kiện để cơ sở giáo dục nghề nghiệp dạy chương trình phổ thông (congluan.vn))