KHPTO – Edmodo là một ứng dụng nền tảng web tại địa chỉ http://www.edmodo.com, hoạt động như một công cụ tổ chức hoạt động dạy học trực tuyến.
Theo ThS.Phan Duy Khôi, Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh, GV và HS có tài khoản Edmodo (miễn phí) có thể tham gia vào hoạt động tương tác trực tuyến theo thời gian thực. GV không chỉ có thể tổ chức hoạt động dạy trực tuyến theo mô hình dạy học Intel, mà còn có thể tổ chức hoạt động kiểm tra đánh giá kết quả hoạt động dạy học bằng những công cụ mà ứng dụng này hỗ trợ.
Nhiều ưu điểm
Ưu điểm của Edmodo xét từ góc độ ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động dạy học giảng dạy nói chung, hoạt động kiểm tra đánh giá nói riêng, có thể kể đến như:
– Linh hoạt về thời gian: GV có thể thiết kế bài kiểm tra đánh giá, thiết lập thời hạn thực hiện, thời gian thực hiện và học sinh có thể thực hiện bài kiểm tra bất cứ thời điểm nào, không nhất thiết phải tiến hành trên lớp học.
– Đánh giá kết quả nhanh: Edmodo hỗ trợ chấm điểm trực tuyến tự động cho những câu hỏi được cung cấp đáp án trong quá trình soạn thảo. Ngay khi HS hoàn tất bài đánh giá, chương trình sẽ thông báo điểm đạt được (GV có thể thiết lập hiện hoặc ẩn đáp án của bài kiểm tra).
– Tính tương cao: Edmodo có giao diện tương tự những mạng xã hội phổ biến, nhưng tập trung vào mục đích giáo dục với nhiều công cụ chuyên biệt. Bên cạnh việc kiểm tra đánh giá, GV còn có thể tổ chức các hoạt động dạy học trên nền CNTT, hoặc kết hợp với chương trình dạy học Intel.
Hiện tại Edmodo hỗ trợ 2 công cụ rất mạnh để tiến hành kiểm tra, đánh giá là Quiz (câu hỏi ngắn) và Assignment (bài luận). Trong đó, công cụ Quiz hỗ trợ tốt dạng câu hỏi trắc nghiệm, điền khuyết, trả lời ngắn; đồng thời có tính năng tự động tính điểm. Điểm đáng chú ý là trong Edmodo, GV có thể thiết lập điểm số tương ứng với mức độ khó của câu hỏi. Căn cứ vào trình tự và mục đích đánh giá chuẩn kiến thức kĩ năng của HS, GV có thể linh hoạt thiết kế hệ thống câu hỏi cho phù hợp theo các mức độ: nhận biết, thông hiểu, vận dụng thấp, vận dụng cao.
Khảo sát hiệu quả ứng dụng
– Trong quá trình thực nghiệm, ThS.Phan Duy Khôi tiến hành tạo lập hệ thống 3 bài tập đọc hiểu cho đối tượng học sinh thuộc khối lớp 10, lớp được chọn thực nghiệm là lớp 10.2 và lớp 10.5 trường Trung học Thực hành – Đại học Sư phạm Tp. Hồ Chí Minh, với 67 em HS. Mỗi bài tập bao gồm 1 văn bản ngắn, thuộc các phong cách ngôn ngữ: văn chương nghệ thuật, chính luận, báo chí; cùng hệ thống câu hỏi (tối đa 7 câu) theo trình tự tư duy từ mức độ nhận biết đến mức độ vận dụng cao. Thời gian thực hiện một bài tập là 30 phút, thời hạn nộp bài từ 3 đến 5 ngày.
– Đợt thực nghiệm được tiến hành trong học kì 1 và học kì 2 của năm học 2016-2017. Sau quá trình này, học sinh sẽ thực hiện một bảng hỏi để phản hồi về hiệu quả của hình thức kiểm tra, đánh giá bằng Edmodo.
– Kết quả thực nghiệm cho thấy: về mức độ hoàn thành bài tập đúng hạn: 67 HS (100%). HS có phản hồi tích cực về hình thức kiểm tra đánh giá năng lực đọc hiểu bằng Edmodo. Trong đó, đáng chú ý là có 61.19% HS cho rằng hình thức kiểm tra bằng Edmodo hứng thú hơn hình thức truyền thống; và 62.69% HS cho rằng hình thức kiểm tra này hữu ích trong việc nâng cao các kĩ năng ứng dụng CNTT vào hoạt động học tập.
– Tuy nhiên, bên cạnh những thành công nhất định, ThS.Phan Duy Khôi còn gặp một số vấn đề phát sinh với ứng dụng Edmodo. Thứ nhất, tính ổn định của chương trình hoàn toàn phụ thuộc vào nền tảng CNTT như sự vận hành ổn định của máy tính, đường truyền Internet. Vì vậy không thể tránh khỏi trường hợp trục trặc máy tính hoặc mất kết nối Internet khi đang làm bài. Thứ hai, tâm lí chung của phụ huynh học sinh còn chưa quen với hình thức kiểm tra đánh giá trên máy tính, dẫn đến việc nghi ngờ phương pháp kiểm tra đánh giá này. Với vấn đề thứ hai, ThS.Phan Duy Khôi cho rằng chỉ cần giáo viên tiến hành ổn định hình thức kiểm tra này trong một thời gian sẽ nhận được sự đồng thuận của phụ huynh học sinh.
Tác giả bài viết: N.T.L.H
Nguồn tin: www.khoahocphothong.com.vn